[Việt Nam] Thuận Thiên Kiếm: Rồng Không Đuôi - Chương 150: Hồi mười bảy (17)
Sáng hôm sau…
Đám kị binh phương bắc hội họp nhau bên bờ sông, kiểm lại quân số, phát hiện thiếu năm người.
“ Không phải đám tàn đảng của đám Giản Định giở trò quỷ, thì ắt là lũ dân đen không biết an phận thủ thường rồi. ”
Tên bách phu trưởng kết luận.
Hôm qua những tên này phát hiện một cây cầu phao bắc ngang qua khúc hẹp nhất của sông Vân, cách núi Dục Thuý cỡ năm sáu dặm. Bọn chúng chia nhau xộc vào căn nhà lớn đã bỏ hoang của tên phú hộ hòng kiếm chác, chỉ có năm kẻ tách đoàn đi về chân núi phía đông.
Thấy đám thuộc cấp nhao nhao lên, như chẳng thể chờ được lập công, gã mới nói:
“ Cứ y theo sách lược đã định, bắt đầu qua sông. Nhớ phải cẩn thận. Đám người Nam này có nghề lặn rất thiện nghệ, hết sức đề phòng chúng bất ngờ đánh lén. ”
Đoàn kị binh mấy trăm người tức tốc xuôi nam, chừng thời gian uống cạn chung trà thì đến trước một chiếc cầu vắt ngang qua dòng nước. Phía đầu đối diện là hai khóm tre mọc dày thành cụm che hai bên, chỉ để lại chính giữa một con đường nhỏ vừa đủ hai người đi ngược chiều nhau.
Tên bách hộ trưởng những tưởng sẽ có cả một đạo quân gồm cung tiễn, thuẫn binh hoặc ít nhất cũng phải có dân địa phương đào hào, phá cầu, sau đó lăm lăm cung nỏ nấp trong lùm tre hai bên. Người khác có thể không biết, nhưng hắn đọc qua binh thư, tự nhiên hiểu được tính chiến lược của núi Dục Thuý. Trọng địa như thế, nên Mộc Thạnh mới cử hẳn một trăm kị mã tinh nhuệ đến chiếm lĩnh bằng được.
Tức cười ở chỗ chặn ngang đầu cầu bên kia lại chỉ có độc một cậu nhóc chỉ cỡ mười sáu tay vác gậy sắt, cưỡi trên lưng con trâu trắng.
“ Ố? ”
“ Lũ người Nam này bị điên rồi chăng? ”
“ Còn tưởng Giản Định, Đặng Tất thế nào. Té ra là hai tên ấm đầu. ”
Trông thấy Đinh Lễ đứng cản đường, cả bọn đều cười ầm lên, ra vẻ khinh thường, nhưng trong dạ thì âm thầm cảnh giác.
Cứ chiếu lẽ thường mà nói, một thằng nhóc thì lấy đâu ra lá gan mà đứng trước mấy trăm kị binh kia chứ. Sau lưng nó ắt hẳn có chỗ dựa.
[ Chẳng phải khóm tre đằng kia sau? ]
Tên bách hộ giơ tay, sau đó chặt một cái.
Đó là lệnh bắn tên.
Vút. Vút.
Nhất thời, cả bọn đồng loạt rút nỏ, nhắm vào rừng tre mà bắn. Thứ nỏ cứng ấy lực bắn chẳng coi là mạnh, càng không thể so với mũi tên bắn bởi người Mông Cổ. Song… bắn qua khúc sông chỉ độ mười trượng thì dư sức.
Chúng cố ý không nhắm vào Đinh Lễ, ấy là muốn xem vẻ mặt kinh hoảng của cậu.
Rừng tre rất dày, nhưng cứ mười mũi thì ắt có hai, ba xuyên qua được. Cả bọn lắng tai, chờ đợi. Tiếng thiết tiễn cắm vào lóng tre xanh mướt phầm phập, khiến máu của chúng như sôi lên. Thế rồi thình lình nghe ai hét thất thanh, vang vọng xem chừng đau đớn lắm. Nhưng rồi tiếng kêu lập tức im bặt, như thể miệng người nọ bị bịt lại.
“ Ha ha! ”
Cả lũ chống nạnh cười phá lên.
Tên bách hộ chẳng buồn quát tháo chửi rủa. Hắn không biết tiếng Đại Việt, đối phương cũng chẳng hiểu tiếng Trung. Thế thì mở miệng xuông làm gì, chỉ tổ tốn nước bọt. Với loạt mưa tên vừa rồi, hắn đã thể hiện rất rõ ràng quan điểm của mình.
Chống lại là chết.
Đinh Lễ vẫn gác cây côn lên vai, không nói gì.
Cậu chàng chỉ khẽ nhún vai, chặc lưỡi một cái nể phục khổ nhục kế của Lê Hổ.
Trong rừng tre…
“ Anh… anh bị điên à? ”
Cô gái nọ hoảng hồn, vội vàng lấy đao rạch miệng vết thương ở vai cho Lê Hổ, rút mũi tên ra, rồi mới bôi thuốc và băng bó cầm máu.
Lê Hổ cười, nụ cười méo xẹo vì đau trông còn khó coi hơn là khóc…
“ Nếu không làm cho thật… sao khiến chúng chủ quan? ”
Cô gái nọ mím môi, lấy khăn lau mồ hôi đang túa ra từng cơn cho cậu.
Té ra, lúc nãy cậu chàng đã rút mũi tên ở dưới đất ra, cắm phập vào vai mình. Đoạn hét ầm lên vì đau, rồi lại tự bịt mồm mình lại. Đây vốn là kế tung hỏa mù, đánh lừa quân Minh khiến cho chúng chủ quan. Như thế, chúng sẽ nghĩ con bài tẩy của cậu là cánh phục binh không hề tồn tại trong rừng trúc.
Nhưng thực ra…
Là Đinh Lễ.
Nhưng chẳng lẽ để Đinh Lễ đương đầu với hai trăm kị mã lại khả thi ư?
Chỉ thấy Lê Hổ nháy mắt với cô gái.
Nàng ta nhẹ nhàng rút cây còi câm ra, đặt lên miệng.
Chỉ nghe tiếng Đinh Lễ cười vang.
Ba tiếng.
Ha!
Ha!
Ha!
Quân Minh không khỏi ngơ ngác, chẳng hiểu vì sao cậu lại làm thế.
Chẳng phải bọn chúng đã lật tẩy “ mai phục ” của người Nam ư? Tại sao thằng nhóc kia lại cười phá lên, như thể đã nắm chắc thắng lợi trong tay kia chứ?
Đinh Lễ chậm rãi hít vào một hơi dài.
“ Bọn cướp nước chúng bay…
CÚTTTTTT!!!!! ”
Con Đại Thắng thần ngưu cũng ngửa cổ lên, rống một hồi như sấm nổ.
Tiếng người quện cùng tiếng trâu, ầm vang chấn động cả một vùng. Lá tre xào xạc rơi lả tả, đậu xuống mặt nước đục ngầu.
Chiến mã bị thần uy của Đại Thắng doạ, nhao nhao chồm lên như muốn dứt đứt dây cương. Cũng may kị thuật của những người này rất tốt, nên mới ghìm ngựa lại được.
“ Làm đi! ”
Lê Hổ nói khẽ.
Cô gái bèn phồng má, thổi vào cây còi câm bằng hết sức bình sinh. Giai điệu tai người nghe không thấu vang lên lúc cao lúc thấp.
Đám kị binh còn đang vỗ về ngựa yêu để chúng bình tĩnh lại, thì chợt thấy toàn thân chiến mã cứng đờ ra như tượng. Nói đoạn, chúng lại lồng lên lần nữa. Lần này mắt ngựa đỏ quạch, mồm văng nước dãi, bờm ngựa tung bay trong gió hoà vào tiếng vó ngựa khua.
Nói đoạn, bầy ngựa phi thẳng xuống dòng sông đang chảy xiết.
Ngựa là loài sống theo bầy, chăn thả. Trong đám ngựa, luôn có một con đầu đàn. Cái còi câm chỉ đơn giản là giả mạo hiệu lệnh của con ngựa đầu đàn, khiến lũ chiến mã tuân phục.
Ngự thú thuật của cô bé kia, khác với những môn trôi nổi trên giang hồ về bản chất là vậy.
Cũng là nguyên nhân cô ta có thể ra lệnh cho lũ ngựa lạ chưa từng tiếp xúc, điều mà ngự thú sư bình thường tuyệt nhiên không thể làm được.
Chính vì lẽ này, Lê Hổ mới cất công bày ra nhiều trò như thế.
Trước tiên dùng khổ nhục kế khiến đám binh sĩ hạ thấp cảnh giác.
Sau đó dựa vào hung uy của Đinh Lễ và Đại Thắng thần ngưu để làm lũ ngựa hoảng hồn. Chúng là chiến mã, chắc chắn gan dạ cứng cỏi hơn ngựa thường. Cho dù đêm qua cô gái nọ đã kiểm soát được một con trót lọt, nhưng cẩn tắc vô áy náy.
Cuối cùng, là nước!
Mọi thứ diễn ra quá nhanh, đám kị sĩ cơ hồ chỉ vừa mới phóng ra loạt mưa tên đầu tiên, sau đó đón chúng đã là dòng nước chảy xiết.
Ngựa vào nước, chân không chạm đá, bắt đầu vùng vẫy theo bản năng. Đám người trên lưng bị quăng qua quật lại, nước sông lại ồ ạt xối vào mặt khiến không ít kẻ buông cương tuột khỏi yên ngựa.
Đinh Lễ thúc gót vào bụng trâu ra hiệu.
Con Đại Thắng tung mình phi xuống nước.
Kể cũng lạ, con quái ngưu này vừa chạm vào mặt sông, thì lập tức trở nên dũng mãnh khác thường. Nó bì bõm bơi giữa dòng nước xiết mà thoải mái như thể kéo cày trên đất bằng. Đinh Lễ một tay nắm chặt sừng trâu, tay kia cứ vung vẩy thanh côn sắt.
Côn của Đinh Lễ nặng hơn năm chục cân, cứ vụt một phát là nước sông bắn lên tung toé thành cột nước cao cả thước. Mũi côn huơ đến đâu, là người ngã ngựa đổ, xương gãy thịt nát đến đó. Nháy mắt thôi, cả một khúc sông rộng loang đỏ, dòng chảy có xối xả cũng không thể rửa trôi hết trong nháy mắt được.
Đại Thắng thần ngưu ngửi thấy hơi máu, càng hung tợn. Đầu nó thúc trái, đánh phải, giáp trụ dày đến mấy trước cặp sừng của nó cũng yếu ớt như tờ giấy. Không hổ danh thứ quái vật húc chết được cả voi chiến. Đinh Lễ tắm trong dòng nước, tiếng hét la và binh khí khua loẻng xoẻng cuộn trào trong từng cơn sóng đỏ sủi bọt, quất tới quất lui vào thân trâu thần. Cây côn trong tay cậu chàng múa tít, kị binh nhà Minh không ai đỡ nổi một gậy, binh khí đã bị phang gãy rời, mất mạng ngay.
Người kêu la, gào thét dữ dội mấy, cũng chẳng thể át nổi tiếng gầm thét của tự nhiên. Sóng đánh tới tấp, ập cả vào họng vào miệng, khiến phân nữa tiếng la thất thanh chẳng bao giờ thoát ra khỏi cuống họng… Cuối cùng chìm xuống đáy sông, cùng với tử thi lạnh buốt.
Đinh Lễ giết một hơi năm chục lính tinh nhuệ, con Đại Thắng húc chết ba mươi người. Số còn lại không bị nước cuốn trôi, thì cũng bị ngựa chiến của mình đạp chết. Đội kị binh tiên phong Mộc Thạnh phái đi… bị đánh cho không còn manh giáp.
Cũng từ trận chiến đó, chiến thần của đất Lam Sơn chính thức bước lên vũ đài của lịch sử. Cái tên Đinh Lễ khảm sâu một nét vào nội tâm của không chỉ quân Minh, mà còn cả phe Hậu Trần.
* Lời tác giả:
Kính chúc độc giả năm mới vạn sự như ý, bình an hạnh phúc.
Cái Tết đầu tiên của tác giả ở nước người, thôi thì bao nhiêu nhung nhớ quê hương xứ xở đành phải gửi vào trang sách. Thôi thế cũng tốt. Những đoạn tình cảm, suy nghĩ của nhân vật trong truyện lúc phải rời xa cố hương, cũng vì thế mà chân thật thêm được một chút.
Vì nhiều bạn hỏi tác là: “ tại sao lại để Tạng Cẩu theo quân Minh ”, và có nhiều lời nói khá nặng nề. Tác đã đọc, và chỉ xin nói lại một lần nữa:
“ bản thân mình chưa bao giờ thích cái gọi là chủ nghĩa dân tộc cực đoan. Mình rất tự hào về văn hoá, lịch sử của dân tộc Việt Nam, tự hào mang dòng máu tiên rồng của cha Lạc Long Quân mẹ Âu Cơ. Nhưng mình không muốn vì thế mà hạ thấp dân tộc khác.
Và mình tin rằng… dù là dân hay lính, cuối cùng đều là nạn nhân của chiến tranh. ”
Một lần nữa xin cảm ơn sự kiên nhẫn và ủng hộ của quý độc giả
Dưới đấy là link facebook cá nhân của tác giả. Nếu có bất kì câu hỏi, góp ý đóng góp, xin liên hệ trực tiếp vào inbox của tác để tác giả có thể trả lời các thắc mắc một cách kỹ càng nhất cũng như gửi lời tri ân chân thành nhất đến mọi đóng góp của các bạn.
https://www.facebook.com/profile.php?id=100022919295232&ref=bookmarks