[Việt Nam] Thuận Thiên Kiếm: Rồng Không Đuôi - Chương 149: Hồi mười bảy (16)
Cãi nhau một hồi, hai người cũng tự biết phải tìm kế phá địch, không cho chúng lên núi. Bàn một lúc, cuối cùng bảo nhau tìm xem trên núi còn hộ tiều phu, thợ săn nào không, để cùng bàn kế phá giặc.
Trước họ xuống phía nam, nơi có phủ viện lúc nhúc hai bên sông, đồng lúa trải dài. Con trâu là đầu cơ nghiệp, thế nên ở phương nam nơi chân cứng đá mềm này, hễ nơi nào có ruộng, chỗ đó có người.
Thế nhưng trang viên bề thế nay vắng tanh vắng ngắt, đến một tiếng chó sủa gà gáy cũng chẳng có nữa là tiếng người. Té ra đây vốn là một nhà phú hộ. Ruộng nương mấy dặm quanh đây đều là của họ. Nhưng nghe tin quân Mộc Thạnh đánh xuống, chắc đã kéo nhau chạy cả.
Hai người thở dài, vốn đã muốn bỏ cuộc, song lại nghĩ:
[ Phú hộ chỉ có ruộng sâu trâu nái, chứ mấy ai chịu chân lấm tay bùn?? Chứng tỏ ắt có người làm công làm rễ, ở đợ chăn trâu sống chung quanh. Mình cứ tìm quanh núi, kiểu gì cũng thấy thôn xóm. ]
Tìm một hồi, mới phát hiện một thôn nhỏ nằm náu dưới chân núi, khuất ở mặt đông. Chốn này chẳng phải hiểm địa, vách núi lởm chởm đá tai mèo dốc đứng, cheo leo, lắm hang lắm hốc. Từ phía này khó lòng tấn công lên núi được, nên đoán chừng quân Minh cũng sẽ bỏ qua.
Lê Hổ và Đinh Lễ vào thôn, thấy toàn là người già ốm yếu không chạy nổi, trong lòng không khỏi thất vọng.
Bấy giờ, lại có tiếng người cười khanh khách vang lên, ngân nga như tiếng suối róc rách dưới thềm lá.
Lê Hổ ngẩng đầu nhìn về phía tiếng cười phát ra, nhưng không thấy lấy một sợi tóc. Chỉ nghe Đinh Lễ quát một tiếng, đoạn nắm đầu trâu giật mạnh.
Đại Thắng thần ngưu rống giận, lồng hẳn người lên.
“ Đừng! Đừng có dẫm! ”
Té ra người kia đã vịn vào sừng trâu, nhảy bật lên tự lúc nào.
Lê Hổ nhìn qua đầu vai Đinh Lễ, chỉ thấy bóng người yểu điệu như tiên nữ từ từ hạ xuống lớp lá cây mục. Váy áo màu tím than, thêu từng hàng từng hàng hoạ tiết được cách điệu rất lạ mắt. Người ngọc khẽ động, hoa văn trên áo cũng như sống dậy khiêu vũ trong cơn mưa lá vàng lá tả.
Cô gái ấy cũng đi chân trần như ngươi Kinh, nhưng cổ tay cổ chân đều đeo lắc bạc, tai xỏ khuyên vàng. Nhìn xiêm áo trang sức, Lê Hổ đoán nàng là người miền ngược, nhưng dân tộc nào thì chịu. Hoa văn trên áo được cách điệu hao hao cái của người Ai Lao cậu vẫn thấy ở Lam Sơn, nhưng không giống hoàn toàn.
Đinh Lễ bèn vỗ cổ thần ngưu, cho nó nhẹ nhàng đặt hai chân trước xuống.
Cô gái nói, tiếng Kinh của cô khá trôi chảy, hai người nghe cũng hiểu được:
“ Những người này không đánh nhau được. Để tôi giúp các anh. ”
Đinh Lễ tỏ vẻ hồ nghi, nói:
“ Địch có đến hai trăm kị binh tinh nhuệ, cô bé nhỏ con như cô thì làm gì được? ”
Cô nàng le lưỡi, vặn lại:
“ Cái ngữ nhãi ranh như cậu lớn hơn được ai? ”
Còn Lê Hổ thì coi như cô gái ấy chẳng tồn tại, chỉ tập trung nghĩ cách phá địch.
Tiếng nhạc ngựa nện lên đá cứng cà rộp, cà rộp từ bốn phía dồn lại càng lúc càng gần. Ánh lửa hừng hực thi nhau phất lên, nhấp nhô nhấp nhô.
Chưa đầy một khắc thì đã có năm tên cưỡi ngựa, mình mặc giáp xông vào làng, vung đao chửi ì xèo, thần tình hung hãn như sắp chém người tới nơi. Người già trong làng sợ hãi ôm lấy nhau ngồi thụp xuống, run lẩy bẩy. Riêng Lê Hổ, Đinh Lễ và cô gái bí ẩn đều là những kẻ cứng cựa, tất nhiên là không sợ. Họ chỉ tiếc mình không biết tiếng Trung, nên chả hiểu đối phương nói gì.
Đinh Lễ thấy đối phương chỉ có năm người, chẳng đủ cho mình xỉa răng nên cứ đứng lì ở đó không nhúc nhích, mặt câng câng lên ra chiều thách thức.
Quả nhiên, tên quan binh nọ quát to, bổ đao thẳng xuống đầu một người già trong làng như để thị uy với Đinh Lễ.
Chỉ thấy cậu ta cười lạnh:
“ Chém người không chớp mắt thế này không biết dưới đao đã có bao nhiêu vong hồn người Nam… loại như mi không đáng sống! ”
Nói rồi động thủ lướt nhanh tới, phát sau mà đến trước, một đấm tống thẳng vào trán con ngựa chiến.
Chỉ nghe rắc một cái, sau đó đầu con ngựa nổ tung, toàn thân cứng đờ ra rồi đổ sập. Tên kị binh còn chưa kịp phản ứng, thì đã thấy cậu tung người lên, tung cước. Chớp mắt thôi ngực hắn đã trúng một đạp, giáp sắt vỡ toác ra, xương sườn gãy không còn cái nào lành lặn, chỉ biết nằm sụi lơ dưới đất.
Đinh Lễ hút sáo một tiếng dài, lại rút cây gậy sắt lao tới đánh. Con Đại Thắng hiểu ý chủ, lập tức rống lên phóng tới.
Bụp.
Sừng trâu nhọn hoắt xuyên thủng bụng ngựa, sức mạnh của trâu thần như dời non lấp bể cơ hồ xé toạc cả con ngựa chiến lưng cao ba thước thành hai mảnh. Chỉ thấy trâu thần lắc cổ, cả người lẫn ngựa cộng lại gần năm trăm cân mà bị nó quăng lên không trung cả năm trượng, chẳng khác nào mớ rẻ rách.
Cô gái nọ thấy Đinh Lễ thân mang thần lực, con trâu trắng lại càng hung hãn vô song thì kinh ngạc lắm, cứ vỗ tay reo lên như để trợ uy.
Nói đoạn nhìn sang, chỉ thấy Lê Hổ vẫn đang trầm ngâm suy nghĩ chẳng ngó ngàng đến cuộc chiến xung quanh, trong lòng thầm lấy làm phục.
[ Ngày xưa Phạm Ngũ Lao vì nghĩ kế phá giặc mà bị giáo đâm vào đùi cũng không biết, xem ra cậu chàng này cũng không tệ. ]
Lúc mọi người còn đang kinh ngạc, Đinh Lễ đã phi vào giữa trận. Cậu khẽ trầm hông vung cây gậy sắt, phang mạnh ngang sang hai bên. Hai tên kị binh bị kình phong quật cho không mở nổi mắt, há mồm không thở nổi, như thể kình phong nhồi âm thanh xuống sâu tận cuống họng.
Bốp! Bốp!
Cả hai văng khỏi mình ngựa, tắt hơi ngay trên không trung.
Hai kẻ còn sống hú lên kinh hoàng, sau đó giục cương ép ngựa quay đầu, vội vội vàng vàng chạy cho nhanh. Đinh Lễ nghiến răng, nói:
“ Không biết ông mày là vua đánh khăng à? ”
Nói đoạn, bấm vào một cái chốt ở đầu gậy, chỉ thấy cây côn sắt chợt rơi ra thành hai đoạn một dài một ngắn, gọi là gà mẹ gà con. Cậu chàng dộng thanh côn xuống thành cái lỗ, trong chơi khăng gọi là lò, rồi gác thanh ngắn xuống, một đầu gà con ghếch lên miệng hố.
Nói rồi, Đinh Lễ vụt mạnh gà mẹ vào đầu kênh lên của con, khiến nó bắn tung lên không, xoay tròn như cái chong chóng. Cậu chàng lại chuyển eo đẩy vai, đánh mạnh một nhát vào đúng đầu của gà con, khiến nó lao vù đi như một mũi tên.
Bụp!
Gà con giáng xuống như sấm chớp, từ phía sau giộng vào lưng kị binh, xuyên thủng cả áo giáp, cắm phập vào cổ ngựa. Cả người lẫn ngựa lung la lung lay, rồi đổ sập.
“ Lại để hắn chạy! Chết! ”
Địn Lễ đang định gọi con Đại Thắng đuổi theo, thì cô gái thần bí đã nói:
“ Chớ lo! ”
Đoạn lấy trong vạt áo ra một cái còi, đưa lên miệng thổi, song kì lạ ở chỗ không có tiếng kêu nào vang lên cả. Mọi người trong làng, bao gồm cả Đinh Lễ, đều thấy ngạc nhiên.
Nhất là Đinh Lễ, cậu chàng chỉ cười khẩy, không thèm nói gì.
Nói rồi toan nhảy lên lưng Đại Thắng, muốn truy đuổi tướng địch.
Chỉ có Lê Hổ là giật mình, thoáng lẩm bẩm:
“ Ngự thú thuật?? ”
Loại còi câm này Nguyễn Xí cũng có một cái. Thực ra không phải nó không kêu ra tiếng, “ bị câm ”, mà do âm thanh nó phát ra tai người không tài nào nghe thấy. Nhưng động vật thì khác. Thính giác của chúng nhạy bén, nghe được những thứ con người không thể. Người xưa dựa vào đặc điểm này, tạo ra ngự thú thuật để điều khiển thú dữ trong vô hình.
Chỉ thấy cô gái thổi hai cái, con ngựa của gã kị binh đã đứng sững, sau đó lóc ca lóc cóc đi về phía mọi người, mặc kệ chủ nhân ra sức thúc bụng giật cương cũng không suy xuyển.
Nói rồi, cô gái cất cái còi, nhìn Lê Hổ:
“ Không nhìn ra, cậu này mới là người học rộng hiểu nhiều, ai mà như tên kia? ”
Đinh Lễ xì một tiếng, gác côn lên vai:
“ Ba cái thứ tạp nham, sao có thể so với côn trong tay ta được? ”
Cô gái nọ bèn giơ nắm đấm:
“ Thách ngươi dám đổi trâu đánh với ta đấy. ”
Té ra con Đại Thắng là trâu thần có linh tính, tự chọn chủ. Ngoài người nó nhận làm chủ của nó ra, không ai có thể điều khiển nó, kể cả ngự thú sư.
Lúc hai người vào làng, cô gái nọ đã thử thổi chiếc còi câm, nhưng con trâu chỉ quạt tai khịt mũi ra chiều khinh thường lắm. Thế nên nàng ta mới hiếu kì nhảy ra xem.
Cô gái thấy Lê Hổ cứ mãi trầm tư, bèn mở hàng tranh lấy miếng trầu đã têm sẵn ra, mời:
“ Cậu xơi một miếng đi, biết đâu lại nghĩ ra cách hay. ”
Lê Hổ đón miếng trầu, lại cười:
“ Người miền ngược cũng ăn trầu à? ”
Cô gái nọ chống nạnh, cổ hơi hếch lên, tựa như ra uy mà lại tựa như làm nũng:
“ Đâu phải chỉ có người Kinh mới có văn hiến? ”
Nói là nói thế, nhưng quả thực cách têm trầu cánh phượng này là cô học của người trong làng.
Lê Hổ chậm rãi nhai trầu, bóng lưng một người bất giác hiện lên trong óc. Nói rồi nhìn về phương xa, nơi có dòng sông Vân chảy qua…
“ Thực ra phá địch không khó, nhưng phải nhờ cô giúp cho một tay. ”
“ Không thành vấn đề. ”
Cô gái nọ khảng khái.
Đinh Lễ thì nhíu mày, nói khẽ:
“ Này anh Hổ… anh tính làm thế nào đấy? ”
Té ra lần đầu hội ngộ ở Lam Sơn, Đinh Lễ không hề biết thân phận thật của Hổ, chỉ nghĩ là anh hùng hào kiệt nào đi ngang. Bây giờ tuy đã nhận nhau, bà Thương cũng nói cho hai người biết họ là họ hàng, nhưng Đinh Lễ vẫn nhất quyết không chịu gọi “ chú ” cho đúng vai đúng vế, chỉ gọi là “ anh ”.
Lê Hổ là người thoáng đạt, nên chẳng để tâm lắm.