[Dịch] THE AQUARIUM - Q.1 - Chương 6: Chương 6
Chiếc bọc thép chở đoàn thanh tra dừng lại tít phía xa. Trong lúc họ đi tới đại đội, tôi đã có đủ thời gian để kiểm tra vũ khí, đã nhận báo cáo về tình hình máy móc, nhiên liệu và đạn dược, chỉnh lý hàng ngũ đại đội và đứng nghiêm sẵn sàng để báo cáo.
Trong khi đứng, tôi tính toán những điểm được và chưa được, xem tôi có thể được khen ở điểm nào, và sẽ bị trừng phạt vì sao: Đại đội xuất phát khỏi doanh trại sớm hơn 8 phút so với quy định, chắc sẽ được khen, có khi còn được tặng một chiếc đồng hồ vàng không chừng. Nếu chiến tranh bắt đầu, người ta sẽ tính toán tới từng giây. Tất cả xe tăng, máy bay, nhân viên bộ chỉ huy cần phải thoát ly khỏi doanh trại ngay lập tức. Và đòn tấn công đầu tiên của quân thù, thường là đòn tấn công đáng sợ nhất, sẽ rơi vào một doanh trại trống không. Tám phút! Điểm cộng này không thể phủ nhận. Tất cả các xe tăng của tôi khởi động tốt, và hoạt động tốt trong suốt buổi sáng nay. Một điểm cộng nữa cho đại đội phó phụ trách kỹ thuật. Rất tiếc, do thiếu sỹ quan nên đại đội tôi không có đại đội phó phụ trách kỹ thuật. Tôi phải kiêm thêm cả nhiệm vụ này. Các cứ điểm mạnh của đối phương được phát hiện kịp thời và được thông báo nhanh chóng về ban tham mưu. Điểm cộng cho trung đội trưởng trung đội một. Rất tiếc chúng tôi cũng không có trung đội trưởng này, một lần nữa do thiếu hụt sĩ quan. Chúng tôi không để thoát trận địa tên lửa, đánh hơi phát hiện kịp thời, và đã chôn vùi nó xuống bùn đen. Mà trận địa tên lửa dù cho tệ hại lắm, cũng có thể đủ sức tạo thêm tới hai vụ Hirosima. Trinh sát chính xác và ném thẳng những chiếc hộp bọc thép của chúng tôi vào trận địa tên lửa, có lẽ tôi đã ngăn chặn được những vụ Hirosima này. Nếu là chiến tranh, chắc tôi đã được đeo một cái huân chương nho nhỏ trên ngực, còn trong tập trận, chắc người ta sẽ khen dài dài…
Và đây là đại tá thanh tra. Hai bàn tay trắng tinh sạch sẽ, bốt bóng lộn. Ông ta thận trọng tránh mấy vũng nước, như con mèo sợ bẩn chân. Trung đoàn trưởng của chúng tôi cũng là đại tá, có điều tay ông to bè, chai sạn, rõ ràng là đã quen làm việc nặng. Còn khuôn mặt ông sạm đen vì băng giá, mặt trời, gió ở khắp các trường bắn và sân tập mà tôi biết được, khác hẳn với khuôn mặt nhợt nhạt của đại tá thanh tra.
– Nghiêm! Nghỉ! Bên phải, quay!
Ông thanh tra chả thèm nghe báo cáo của tôi, đột ngột cắt lời:
– Cậu khoái đánh trận lắm nhỉ! Hệt như một thằng nhóc!
Tôi im lặng. Tôi mỉm cười với ông ta như là ông đang trao huân chương cho tôi chứ không phải đang mắng chửi. Có lẽ nụ cười của tôi làm ông càng tức giận hơn. Các sỹ quan đi cùng ông im lặng một cách hăm dọa. Họ rất biết điều 97 của điều luật kỷ luật quân sự nghiêm cấm mắng chửi tôi trước mặt cấp dưới. Các vị thiếu tá và thượng tá biết rằng mắng chửi tôi trước mặt cấp dưới sẽ ảnh hưởng không chỉ tới uy tín của cá nhân tôi, mà còn ảnh hưởng tới uy tín của toàn bộ sỹ quan quân đội Xô viết trung dũng, bao gồm cả uy tín của ông đại tá trong đó. Tôi làm như không có gì. Tôi mỉm cười.
– Thực sự quá xấu hổ và tệ hại, thượng úy, khi anh không tuân lệnh cấp trên.
Hừm, ngài đại tá ngu xuẩn của tôi, giá mà tôi được treo lên nòng súng những kẻ không tham gia chiến tranh thực sự, chưa bao giờ phải ngửi mùi của máu.
Tất nhiên đây là tập trận, nhưng nếu là chiến tranh, chắc đường tăng chúng tôi chạy đã được tô bằng máu, máu thực sự, không phải như trong rạp hát, và những người lính gốc Á của tôi chắc sẽ còn điên cuồng hơn. Tất nhiên họ không hề yếu ớt. Đây là sức mạnh của họ. Không ai trên thế giới có thể bắt họ dừng lại.
– Còn bức tường! Cậu đã phá vỡ tường trong doanh trại! Cậu là tội phạm!
Ôi, tôi quên béng mất bức tường. Bi kịch. Chắc là nó đã được phục hồi. Chắc không tốn nhiều thời gian. Chỉ cần chở tới 10 tù nhân và họ sẽ xây lại bức tường trong vòng hai tiếng đồng hồ. Đại tá – Làm sao tôi biết được đây là tập trận hay chiến tranh? Ai biết được điều đó khi nghe còi báo động? Còn nếu chiến tranh xẩy ra, và bức tường được bảo tồn nguyên vẹn, chắc hơn 2000 con người và vài trăm chiếc thiết giáp hiện đại đã cháy thành than một đống? Ôi, đại tá? Ông là sếp lớn, phụ trách trinh sát của quân đòan số 13, liệu ông có biết bao nhiêu mục tiêu đã được những người đồng hương Uzbek của tôi phát hiện ra không? Họ tiếng Nga nói không sõi, nhưng mục tiêu chẳng bao giờ phát hiện sai đâu. Khen thưởng họ đi, Đại tá! Không phải tôi, thì ít nhất cũng nên mỉm cười với họ. Và tôi mỉm cười với ông. Tôi đang đứng quay lưng về phía đại đội của mình, và không thể quay lại nhìn họ được. Nhưng tôi đã biết rằng toàn bộ đại đội của tôi đang mỉm cười. Đơn giản, không cần lý do. Lính của tôi là vậy, sẵn sàng khoe răng bất cứ lúc nào.
Nhưng đại tá không thích điều này. Có lẽ ông nghĩ chúng tôi đang cười ông. Đại tá nổi điên. Ông nghiến răng như cậu pháo thủ của tôi trong trận chiến. Ông không thể hiểu được nụ cười của chúng tôi. Và ông hét vào mặt tôi:
– Thằng nhóc, cậu không xứng đáng để chỉ huy một đại đội. Tôi khai trừ cậu. Bàn giao lính cho đại đội phó, để cậu ta đưa đại đội về doanh trại.
– Tôi không có đại đội phó – Tôi mỉm cười với ông ta.
– Vậy bàn giao cho trung đội trưởng trung đội một!
– Cũng không có – Và để ông khỏi mất thời gian liệt kê hết các chức danh dưới quyền, tôi nói: – Cả đại đội duy nhất có tôi là sỹ quan.
Đại tá im bặt. Vẻ bực bội biến mất. Biến hẳn, như chưa từng xuất hiện. Trường hợp mà một đại đội của chỉ có một sĩ quan, trong quân đội của chúng tôi, đặc biệt là trong lãnh thổ của Liên bang, rất phổ biến. Rất nhiều người muốn trở thành sỹ quan, nhưng họ chỉ thích thành đại tá. Một chức vụ trung úy nhỏ nhoi không hề hấp dẫn. Và đó là nguyên nhân của tình trạng thiếu hụt sỹ quan cấp thấp. Thiếu trầm trọng. Nhưng cấp trên, ở bộ chỉ huy, hình như người ta quên bẵng điều này. Để bây giờ ông đại tá đơn giản là không nghĩ tới chuyện tôi là sỹ quan duy nhất trong đại đội. Ông ta dĩ nhiên có quyền tước danh hiệu chỉ huy của tôi. Nhưng đại đội phải trở về doanh trại. Mà chỉ huy một đại đội, lại còn là đại đội xe tăng, chạy 10km không có sỹ quan là điều không thể. Đó là phạm tội. Điều đó có thể quy kết thành tội danh mưu phản, đảo chính. Và sẽ là một kết cục chết người chờ đợi đại tá. Nếu bạn cách chức chỉ huy khi anh ta không có chỉ huy phó, nghĩa là bạn phải nhận hòan toàn trách nhiệm chỉ huy đại đội, và bạn không thể ủy quyền lại cho bất kỳ ai. Nếu có quyền làm vậy, các sư đoàn trưởng có thể điều quân ra trận, rồi cách chức sỹ quan dưới quyền, và thay bằng cánh hẩu của ông ta, và tiến hành đảo chính. Nhưng chúng ta đâu có đảo chính, bởi vì không ai có thể tùy tiện lựa chọn và sắp xếp cán bộ theo cách anh ta thích. Cách chức là quyền của bạn. Cách chức rất dễ. Ai cũng biết cách nói câu này. Cũng dễ như việc giết một người. Nhưng trao lại quyền chỉ huy cho anh ta vô cùng khó, giống như việc cải tử hồi sinh người mới bị giết vậy. Rồi sao, đại tá, ông định khôi phục quyền chỉ huy của tôi? Không đâu. Tôi không xứng đáng. Tất cả mọi người đã nghe thấy điều này. Ông không có quyền trao quyền chỉ huy đại đội cho một người không xứng đáng. Nếu cấp trên biết rằng trong khu vực biên giới, ông đại tá truất quyền chỉ huy đại đội, rồi trao quyền đó cho một người không xứng đáng? Điều gì sẽ xảy ra? Ặc ặc? Vậy đó.
Đại tá có thể liên lạc với chỉ huy tiểu đoàn hoặc trung đoàn yêu cầu họ thu thập đại đội tội phạm của tôi. Nhưng tập trận đã kết thúc. Đã kết thúc bất ngờ hệt như đột nhiên nó đã bắt đầu. Ai còn bật hệ thống liên lạc chiến đấu sau tập trận đây? Những sỹ quan vô kỷ luật thực hiện liên lạc một cách bừa bãi kiểu đó đã bị tử hình từ năm 1937. Sao đó, chả ai dám lằng nhằng kiểu đó. Vâng, Đại tá? Tự chỉ huy đại đội đi. Liệu ông còn nhớ cách chỉ huy một đại đội xe tăng không? Có thể ông chưa bao giờ chỉ huy nó? Chắc ông lớn lên trong sở chỉ huy. Dạng đại tá đó nhiều vô kể. Dạng đại tá đó cho rằng mọi việc đều đơn giản. Và chỉ huy đại đội xe tăng cũng dễ thôi. Chỉ có điều mệnh lệnh phải được đưa ra theo điều lệnh mới. Những người trong đại đội, không phải người Nga, sẽ không hiểu nếu anh chỉ huy không giống điều lệnh. Tệ hơn nữa, nếu họ hiểu sai. Sau đó, họ và máy bay trực thăng trên các khu rừng và đầm lầy không thích anh ta. Xe tăng rất nặng, đôi khi có thể cán một người đàn ông chạy qua đường, đâm xuống gầm cầu, hoặc chìm nghỉm dưới đầm lầy.
Và cái giá phải trả trong những trường hợp đó đều giống nhau!
Tôi không cười nữa. Tình hình nghiêm trọng và không có gì buồn cười. Tôi rất muốn đưa tay lên chào và nói: Cho phép tôi ra đi, thưa đại tá. Dù sao, tôi ở đây bây giờ là một người ngoài cuộc, không phải chỉ huy hay cấp dưới của ông ta. Ông gieo gió, giờ thì xin mời gặt bão. Ông muốn chỉ huy, thì chỉ huy đi. Nhưng cơn giận dữ và ác ý trong tôi nhanh chóng bị dập tắt. Đại đội thân yêu của tôi, lính của tôi, tăng của tôi. Tôi không còn trách nhiệm với đại đội, nhưng cũng không thể bỏ mặc nó như vậy.
– Cho phép tôi, đồng chí Đại tá, – tôi đưa tay lên mũ, – chỉ huy đại đội một lần cuối. Coi như để tạm biệt nó.
– Đồng ý, – Ông ta nói ngắn gọn.
Trong một thoáng, tôi chợt nghĩ rằng chắc ông sẽ theo thói quen ban phát cho tôi hàng loạt các lời khuyên: Đừng chạy nhanh, đừng nghịch ngợm, chạy theo hàng. Nhưng cuối cùng thì ông cũng không làm vậy. Có lẽ ông ta không có ý định đó, chỉ là tôi tưởng tượng quá nhiều mà thôi.
– Được, được, cứ chỉ huy đại đội tạm thời đi. Coi như mệnh lệnh của tôi chưa có hiệu lực. Đưa đại đội về doanh trại, và bàn giao ở đó.
– Rõ! – Tôi thực hiện động tác quay sau đột ngột, nhưng vẫn thoáng thấy những nụ cười trong đoàn tùy tùng của đại tá. Tạm thời chỉ huy là kiểu gì vậy? Đoàn tùy tùng hiểu rất rõ không có trạng thái “tạm thời chỉ huy” trong điều lệnh. Người chỉ huy hoặc là xứng đáng với chức vụ của mình và hoàn toàn chịu trách nhiệm về đơn vị, hoặc anh ta không xứng đáng, và ngay lập tức bị truất quyền. Không thể có trường hợp “chỉ huy tạm thời”. Đại tá có thể phải trả giá đắt cho cách tiếp cận của ông ta. Tôi biết điều đó, và đòan tùy tùng cũng vậy. Nhưng tôi không quan tâm chuyện đó bây giờ. Tôi có trách nhiệm quan trọng. Tôi chỉ huy đại đội. Tôi không quan tâm đến việc ai nghĩ gì, ai làm gì, hoặc ai phải chịu trách nhiệm về những việc đó.
Trước khi ra mệnh lệnh, người chỉ huy cần biểu dương quyền lực của mình để đảm bảo mọi người sẽ tuân lệnh. Anh ta phải quét ảnh mắt qua tòan bộ đội ngũ để chờ cho không còn một cử động nhỏ nào, tất cả đều đứng nghiêm phăng phắc, để mọi người đều chuẩn bị tinh thần sẵn sàng nhận lệnh. Mệnh lệnh trong binh chủng xe tăng lại không dùng lời. Tôi có hai lá cờ nhỏ trong tay. Tôi ra lệnh bằng hai lá cờ này.
Cờ trắng phất mạnh lên phía trên. Đó là lệnh đầu tiên của tôi. Bằng một cử chỉ ngắn gọn, tôi đang gửi tới toàn đại đội một thông báo khá dài: “Tôi là người chỉ huy đại đội! Cấm sử dụng điện đài trước khi phát hiện kẻ địch! Chú ý!” Mệnh lệnh có hai kiểu: Mệnh lệnh sơ cấp và mệnh lệnh thực thi. Thông qua lệnh sơ cấp, chỉ huy trưởng dường như đang nắm lấy dây cương của đội ngũ dưới quyền bằng ý chí sắt đá của anh ta. Và, siết chặt dây cương, chỉ huy cần đợi 5 giây trước khi phát ra mệnh lệnh chính. Đội ngũ tập hợp thẳng tắp, chờ lệnh, mỗi một người đều cảm thấy có chút run rầy, cơ bắp căng lên như chuẩn bị cho một cú đấm mạnh, chờ đợi mệnh lệnh thực thi, giống một con ngựa tốt chờ đợi cú quất của roi da.
Cờ đỏ đột ngột phất lên, rồi cả hai lá cờ chuyển sang một bên và đi xuống dưới. Đại đội rùng lên, rồi tản ra, tiếng nhưng đôi ủng nặng nề đạp lên những tấm giáp kim loại vang lên rầm rập.
Có thể đại đội đang nói lời chia tay với tôi, hoặc giả họ đang phô diễn kỹ năng cho ông thanh tra, hoặc có thể đơn giản là họ giận dữ và đó là cách duy nhất để họ phát tiết ra ngòai. Oh, giá ai có đồng hồ bấm giờ! Nhưng kể cả không có đồng hồ, tôi vận biết đại đội của tôi đang phá kỷ lục của sư đòan, thậm chí có thể cấp cao hơn. Và tôi cũng biết nhiều người trong đoàn tùy tùng của đại tá là lính xe tăng chính hiệu, và họ đang ngưỡng mộ những chàng trai gốc Á của tôi. Tôi đã chứng kiến nhiều kỷ lục trong binh chủng xe tăng, và tôi biết cái giá của chúng. Tôi đã nhìn thấy những vụ gẫy tay, gẫy cả răng nữa. Nhưng những chàng trai của tôi rất may mắn trong thời điểm này. Không hiểu sao tôi biết trước rằng sẽ không ai mắc lỗi, không ai trượt chân trong những cú nhảy đáng ngạc nhiên vào trong tháp pháo. Sẽ chả ai bị kẹp tay khi đóng cửa sập. Ít nhất là lần này.
Cả mười động cơ đồng thanh gầm lên. Tôi đang đứng ở cửa nóc chỉ huy. Bây giờ lá cờ trắng phất lên trong tay của tôi có nghĩa là: “Tôi đã sẵn sàng!” Và 9 lá cờ khác đáp lại: “Sẵn sàng! Sẵn sàng! Sẵn sàng!” Tôi vẽ một vòng tròn trên đầu làm một cử chỉ rõ ràng về phía đông: “Theo tôi!”
Rất đơn giản. Đơn giản. Sơ đẳng? Vâng. Nhưng sẽ không có kỹ thuật trinh sát vô tuyến điện nào có thể phát hiện cùng một lúc bốn quân đoàn xe tăng cùng xuất phát. Với các hình thức trinh sát khác cũng có những kỹ thuật chống lại rất sơ đẳng và đơn giản, nhưng vô cùng hiệu quả. Vì thế chúng tôi luôn xuất hiện bất ngờ. Xấu hoặc tốt, nhưng luôn bất ngờ. Ngay cả ở Tiệp Khắc, chúng tôi có tới 7 quân đoàn cùng một lúc. Đại tá thanh tra trở về xe của mình. Đội tùy tùng theo sau. Chiếc xe bọc thép gầm lên, quay một vòng rất đẹp, và tiến về trụ sở quân khu bằng một con đường khác.
Đoàn tùy tùng của đại tá ghét ông ta ra mặt. Nếu không, họ đã khuyên ông ta đi ngay trước đoàn tăng của tôi. Tôi bây giờ không là gì cả. Một kẻ mạo danh. Trao đại đội cho tôi chả khác nào cảnh sát trưởng tin tưởng giao nhiệm vụ cho một cựu cảnh sát đã từng bị bắt vị phạm tội hình sự nghiêm trọng và đã bị đuổi khỏi ngành. Nếu bạn định làm như vậy, ít ra bạn phải luôn luôn có mặt để có thể can thiệp kịp thời nếu có vấn đề. Và nếu đã giao đại đội cho ai đó trong trường hợp bạn không biết chỉ huy nó, thì ít ra bạn cũng phải có mặt liên tục, để có thể đạp phanh bất cứ lúc nào cần thiết. Nhưng chẳng ai bảo cho ông đại tá biết rằng, ông đã vô tình trao số phận của mình vào tay một anh thượng úy trẻ măng. Và anh thượng úy đã bị truất chức, có thể chơi khăm ông bất cứ lúc nào, anh ta giờ đối với đại đội là người ngoài cuộc. Ông sẽ phải chịu trách nhiệm thay anh ta. Cũng có thể tất cả đoàn tùy tùng đều biết, rằng anh thượng úy sẽ đưa đại đội về doanh trại an toàn? Có thể họ biết rằng anh thượng úy sẽ không phá nát số phận của ngài đại tá.
Dù anh ta hoàn toàn có thể… Chương trình ủng hộ thương hiệu Việt của Tàng Thư Viện: