[Dịch] Nhất Kiếm Quang Hàn Khởi Thư Lâu - Q.1 - Chương 8: Thời buổi rối ren (phần 1)
Chương 8 – Thời buổi rối ren – Phần 1
– Đúng vậy.
Lam Ngọc Phi nói:
– Dùng nó chặt đầu người rất gọn gàng.
– Ừm, ngươi nói quả thật không sai.
Liễu Nhị Ngốc đáp trả:
– Hiếm khi có dịp, ta cũng muốn tự mình thử xem.
– Ngươi thử? Thử cái gì?
– Thử kiếm.
– Thử thế nào?
Lam Ngọc Phi cười lạnh:
– Muốn dùng cái đầu ngu ngốc của ngươi để thử kiếm của bổn công tử à?
– Kẻ hèn này không thích đấu võ mồm, ra tay đi!
– Ra tay?
Ánh mắt Lam Ngọc Phi xoay chuyển, chợt kêu lên:
– Ngươi định dùng tay không sao?
– Đúng vậy, kẻ hèn này không mang theo binh khí.
– Vì sao lại không mang theo?
– Kẻ hèn này vẫn luôn theo đuổi sự chân thành, không thể lạm dụng.
Liễu Nhị Ngốc đáp:
– Không có binh khí vừa ý, thà rằng không dùng.
– Ồ!
Lam Ngọc Phi hỏi:
– Binh khí như thế nào mới vừa ý ngươi?
– Giống như thanh kiếm trong tay ngươi. Nếu ta đoán không sai, kiếm này được gọi là Thanh Hồng, rơi vào tay ngươi đúng là nhầm chủ, thật đáng tiếc.
Liễu Nhị Ngốc ung dung nói:
– Mà kẻ hèn này lại nằm mơ cũng muốn…
– Được lắm, Liễu Nhị Ngốc!
Lam Ngọc Phi nhướng mày:
– Không ngờ ngươi dám nhằm vào kiếm của bổn công tử.
– Thế thì có gì không được?
Liễu Nhị Ngốc lạnh lùng đáp trả:
– Không phải ngươi vẫn thường nhằm vào người khác sao?
– Bổn công tử nhằm vào ai?
– Người khác thì kẻ hèn này không biết.
Liễu Nhị Ngốc đáp:
– Nhưng ít nhất hiện giờ ngươi đang nhắm vào cái đầu của kẻ hèn này.
Danh kiếm mặc dù khó cầu, nhưng so ra vẫn thua một cái đầu người.
Liễu Nhị Ngốc lại muốn mạo hiểm thử một phen.
– Hừ, Liễu ngốc tử!
Lam Ngọc Phi hơi biến sắc:
– Đây là chuyện liên quan đến tính mạng, ngươi có nắm chắc không?
– Điều này rất khó nói.
Liễu Nhị Ngốc bảo:
– Có lẽ là dễ như trở bàn tay, cũng có thể là gặp đôi chút trắc trở, nhưng cuối cùng…
– Cuối cùng thế nào?
– Việc này phải hỏi ngươi thôi.
Liễu Nhị Ngốc nói:
– Nếu như kiếm thuật của ngươi không tinh, trước giờ chỉ biết trêu hoa ghẹo nguyệt, làm nhiều việc bất nghĩa, thanh kiếm này có linh tính, đương nhiên sẽ chọn chủ khác mà thờ.
– Hừ, toàn là nói bậy.
– Nói nhiều vô ích, đợi lát nữa sẽ thấy kết quả thôi.
– Kết quả gì?
Lam Ngọc Phi gập ngón tay búng một cái, lưỡi kiếm rung lên:
– Bổn công tử chỉ cần cái đầu của ngươi rời khỏi vị trí của nó.
Hắn nói rất hùng hồn, nhưng lại tỏ ra do dự.
Điều này cũng khó trách. Mặc dù Liễu Nhị Ngốc tay không tấc sắt, nhưng nửa năm nay hắn đột ngột quật khởi trong võ lâm, trở thành nhân vật nổi danh khắp đại giang nam bắc. Lúc ở Bạch Ngọc lâu bên sông Tần Hoài, không phải hắn cũng tay không tấc sắt hay sao? Không phải cũng dùng tay không đoạt kiếm đó sao?
Tề Thiên Bằng chết dưới chính thanh kiếm của lão.
Mặc dù Lam Ngọc Phi không thấy tận mắt, nhưng trên giang hồ đồn đại vô cùng sống động, ngay cả mỗi chiêu mỗi thức đều miêu tả rất kỹ càng.
Người đời chưa chắc đã thật sự nhìn thấy thần núi ma cây, tinh linh quỷ quái, nhưng khi bàn đến thì lại rất hăm hở.
Nếu thật sự nhìn thấy thì lại chẳng có gì lạ, chỉ nghe được mới cảm thấy nổi da gà.
Dưới thanh danh không có kẻ vô dụng, Lam Ngọc Phi quả thật không dám coi thường vị Kim Lăng đại hiệp chỉ trong một đêm đã nổi danh này.
Hắn nhìn chằm chằm vào đôi tay của Liễu Nhị Ngốc, càng nhìn càng trở nên sợ sệt.
Hắn cảm thấy đôi tay này có vẻ như thật sự không giống tay người thường.
– Đầu mọc ở trên cổ, có muốn giấu cũng không được.
Liễu Nhị Ngốc lạnh lùng nói:
– Có bản lĩnh thì đến lấy đi!
Hắn cũng nhìn chằm chằm vào thanh kiếm trong tay Lam Ngọc Phi, không hề chớp mắt.
Đương nhiên, càng nhìn càng thấy thích.
– Lam Ngọc Phi, vị trí mà ngươi đang đứng rất không ổn.
Trầm Tiểu Điệp chợt lên tiếng:
– Sao không chọn nơi nào trống trải hơn?
– Vì sao?
– Bởi vì đứng quá gần bìa rừng, trường kiếm của ngươi e rằng sẽ rất khó thi triển…
– Lạ thật, giờ ngươi lại quan tâm đến bản công tử sao?
– Điều này có gì không được.
– Dẹp đi! Bản công tử lại cảm thấy đứng ở chỗ này rất ổn.
– Nói cũng đúng.
Trầm Tiểu Điệp nói:
– Ít nhất trong rừng còn có một nhóm cung tiễn thủ, lỡ gặp tình thế không ổn, họ có thể bắn lén vài mũi tên.
Nàng một lời vạch trần quỷ kế của Lam Ngọc Phi, đồng thời cũng nhắc nhở Liễu Nhị Ngốc.
Vài mũi tên mặc dù không đáng để vào mắt Liễu Nhị Ngốc, nhưng trong lúc toàn bộ tinh thần đang tập trung, chung quy khó tránh khỏi nhất thời sơ suất.
Vẻ mặt Lam Ngọc Phi biến đổi, không nói lời nào.
Nhưng vị Thưởng Hoa Công Tử này cũng đã trải qua không ít sóng to gió lớn, đương nhiên sẽ không cam lòng bị một tên Liễu Nhị Ngốc tay không tấc sắt hù dọa như vậy.
Bất kể ra sao, hắn cũng phải thử một phen.
Vả lại tình thế lúc này đã giống như hai con gà chọi gườm nhau, không thể vĩnh viễn kéo dài mãi.
Tên đã ở trên dây, không thể không bắn.
– Nếu như ngươi không dám động thủ.
Liễu Nhị Ngốc lạnh lùng nói:
– E rằng kẻ hèn này phải nhận vinh dự đó vậy.
– Ngươi muốn lên trước sao?
– Đúng thế, kẻ hèn này…
– Hừ, ngươi là một tên ngốc.
Lam Ngọc Phi hừ lạnh một tiếng. Kiếm như gió thổi, ánh lạnh lóe lên, đâm thẳng tới.
Khi kiếm đi được nửa đường, cổ tay của hắn liền rung lên, từng điểm sáng lạnh tản ra.
Liễu Nhị Ngốc lại đứng yên không cử động. Hắn hiểu rõ đây chỉ là hư chiêu của đối phương, rung kiếm thành hoa, đơn giản chỉ nhằm mê hoặc ánh mắt của hắn.
Hắn muốn dùng thủ pháp “tay không vào dao sắc” thì nhất định phải đợi thời cơ, nhất định phải đúng lúc mới có thể một chiêu là thành công.
Điều này yêu cầu phải nhẫn nại, còn có vài phần mạo hiểm.
Nhất là thanh kiếm này không phải là kiếm thường, hắn tuyệt đối không thể đối cứng, càng không thể nhẹ nhàng tiếp xúc, có lúc cần phải tránh đi.
Nói tóm lại, vận dụng xảo diệu như thế nào đều nằm ở tâm.
Hắn phải cẩn thận quan sát thế công của đối phương, tính toán khoảng cách chuẩn xác, cùng với biến hóa thực hư của chiêu thức, không thể sai lệch một chút nào.
Cho nên hắn không dám tùy tiện cử động, hắn muốn dùng tĩnh chế động.
Lúc này kiếm vẫn đang đâm đến phần bụng, mũi kiếm còn cách hai thước. Khi khoảng cách chỉ còn lại một chút, hắn nhất dịnh phải nắm lấy thời cơ để giành chiến thắng.
Việc này đương nhiên rất nguy hiểm, nhưng Liễu Nhị Ngốc lại tỏ ra không hề quan tâm.
Kỳ thật không phải hắn kiêu ngạo khinh địch, mà là hắn hiểu được, càng đến thời khắc quan trọng thì càng phải buông bỏng tâm tình.
Bản lĩnh “lâm nguy không loạn” này nói ra thì dễ, nhưng làm thì lại rất khó.
Hiển nhiên Liễu Nhị Ngốc đã trải qua một quá trình rèn luyện gian khổ mới luyện thành loại tâm pháp vô thượng này.
Hắn có định lực này.
Mặc dù hắn muốn lấy được thanh kiếm kia, nhưng thật ra không hề nắm chắc mười phần. Những lời nói huênh hoang trước đó cũng là một loại tâm lý chiến.
Dù sao Lam Ngọc Phi cũng chưa đủ đạo hạnh, vì những câu nói đó của Liễu Nhị Ngốc mà lòng gã sợ hãi, chưa xuất thủ thì đã tỏ ra sợ đầu sợ đuôi.
Lúc này tuy gã đã ra tay, nhưng lại không dám bức đến gần.
Có điều kiếm cũng không thể vĩnh viễn dừng ở trên không. Tay trái gã giơ lên, hét lớn một tiếng, ánh kiếm đột nhiên hợp lại.
Ánh kiếm rung động hợp lại làm một, phát ra tiếng rít, như ngựa phi suối cuộn đâm thẳng tới.
Đây không phải là hư chiêu, mà là một thế kiếm vô cùng chân thực.
Sao gã lại đột nhiên dám ra tay?
Hóa ra vừa rồi khi hắn giơ tay lên, đã phát ra ám hiệu, hi vọng có vài mũi tên bay đến kịp thời.
Hiển nhiên âm mưu này trước đó đã bị Trầm Tiểu Điệp nói toạc ra, nhưng gã cho rằng trong khoảnh khắc này vẫn sẽ còn tác dụng.
Nếu như lúc này vừa vặn có vài mũi tên trợ giúp cho thế công của gã, kiếm và tên cùng đến, hắn không tin Liễu Nhị Ngốc thật sự có ba đầu sáu tay.
Nhưng vài mũi tên còn chưa bay đến, vài tiếng rên rỉ đã vang lên.
Chuyện này quả thật lạ, lẽ nào cung tiễn thủ trong rừng đã bị ám toán?
Không sai, đã không thấy bóng dáng Trầm Tiểu Điệp đâu. Cũng chỉ trong khoảnh khắc đó, nàng đã lao vào trong rừng rậm.
Lam Ngọc Phi trong lòng biết không ổn, cố gắng ghìm cổ tay thu chiêu lại.
Phàm là những kẻ gian trá quỷ quyệt đều biết lựa gió chống thuyền. Nhìn thấy tình huống bất lợi, còn ở lại nhất định sẽ chịu thiệt thòi, gã lập tức xoay người, hai chân nhún mạnh, lướt thẳng về phía bờ sông.
Thân pháp gã rất nhanh, chỉ nhô lên hụp xuống đã ở bên ngoài mấy trượng.
Nhưng gã không ngờ được người ở phía sau còn nhanh hơn. Liễu Nhị Ngốc không nói một lời đã nhẹ nhàng vọt theo, như bóng với hình.
Hắn đã từng nói nằm mơ cũng muốn có thanh kiếm này, đương nhiên không muốn lỡ mất dịp may.
Nhưng hắn dựa vào thủ pháp gì để lấy được thanh kiếm đó?
Sông sâu dậy sóng, cuồn cuộn về đông.
Trên mặt sông đen kịt chợt vang lên vài tiếng huýt sáo, vài chiếc khoái thuyền (thuyền nhe, thon, chạy nhanh) lướt tới như tên bắn.
Tại mũi của chiếc thuyền đi đầu, một người áo đen lưng hùm eo gấu, uy phong lẫm liệt đang đứng sừng sững. Khi thuyền còn cách bờ mấy trượng, y bỗng nhiên nhún mình một cái bay thẳng lên bờ.
– Lam Ngọc Phi!
Người nọ hét lớn, tiếng như sấm nổ:
– Ngươi dám gạt lão tử à!
Người này có khuôn mặt màu chàm, thân thể khôi ngô cao lớn, toàn thân ngăm đen, hàm râu bọc quanh quai hàm, từng sợi dựng lên như mũi nhọn.
Nói năng lỗ mãng như vậy, người này là ai?
Hóa ra đây chính là hàng thật giá thật, Phi Long bang chủ Lý Thiết Đầu.
Lam Ngọc Phi thất kinh, sắc mặt đột nhiên biến đổi, gã quả thật không ngờ Lý Thiết Đầu lại đến nhanh như vậy.
Càng khổ hơn là chỉ trong phút chốc đã gặp nhau, gã nên làm thế nào cho tốt?
Trong lúc tâm hoảng ý loạn, gã chợt cảm thấy cổ tay tê rần, đồng thời một giọng nói vang lên bên tai:
– Ngươi sợ hắn sao?
Lam Ngọc Phi ngẩn người, Thanh Hồng kiếm đã tuột khỏi tay…
– Ngươi…
Gã quay đầu nhìn lại, phát hiện kiếm đã nằm trong tay Liễu Nhị Ngốc, lập tức hoảng sợ run lên, lùi lại mấy bước.
Mặc dù rất giận dữ, nhưng gã lại không dám tay không đoạt kiếm.
Khi có kiếm gã đã sợ Liễu Nhị Ngốc mấy phần, huống hồ bây giờ hai tay trống rỗng.
– Ngươi cứ yên tâm, ta lấy được kiếm rồi nên sẽ không giết ngươi!
Liễu Nhị Ngốc nói:
– Mau tránh đi! Ta sẽ thay ngươi đối phó với kẻ địch này.
Lấy được một thanh kiếm tốt, theo lý cũng nên hồi báo.
– Ngươi là ai?
Lý Thiết Đầu trầm giọng quát lớn.
– Trước tiên hãy nói người mà ngươi muốn tìm là ai đã!
Bảo kiếm trong tay, Liễu Nhị Ngốc không khỏi hào tình vạn trượng.
– Bổn tọa muốn tìm một đôi nam nữ từ Tê Hà sơn đến đây.
– Thế thì đúng rồi.
– Chẳng lẽ ngươi chính là Liễu Nhị Ngốc?
– Đúng vậy.
– Hà hà, đáp rất hay, rất hùng hồn.
Lý Thiết Đầu quát lớn:
– Còn một tên nữa đâu?
– Ở đây.
Bóng người nhoáng lên, Trầm Tiểu Điệp đã lướt tới.
– Khinh công tốt.
Lý Thiết Đầu cười lạnh một tiếng, trầm giọng nói:
– Công phu hoa mỹ, chỉ để xem cho đẹp chứ có tác dụng gì.
– Ồ?
Trầm Tiểu Điệp nói:
– Theo ý của ngươi, hình như chỉ có đầu sắt là hữu dụng.
– Không sai.
Lý Thiết Đầu nhướng đôi mày rậm, ngạo nghễ:
– Trừ chiếc đầu sắt này ra, đương nhiên bổn tọa còn có thứ lợi hại hơn.
– Thứ gì vậy?
Lý Thiết Đầu giơ tay phải, nâng một món binh khí kỳ lạ lên.
Chỉ thấy món binh khí này lấp lánh kim quang, hình dạng giống như bánh xe có cán, ven rìa bánh xe lại có vô số mũi nhọn như răng cưa.
Loại binh khí này quả thật rất hiếm thấy trên giang hồ, nhưng nó có thật sự huyền diệu như vậy hay không?
Hiển nhiên Lý Thiết Đầu trước tiên muốn tạo khí thế, nêu cao uy danh của mình, vì vậy mới lớn tiếng dọa người.
Liễu Nhị Ngốc nhìn chăm chú, khóe miệng khẽ nhếch lên.
Thưởng Hoa Công Tử Lam Ngọc Phi đã sớm chán nản rời đi, lúc này đã không còn thấy bóng dáng.
– Là món đồ chơi này à?
Trầm Tiểu Điệp hỏi.
– Nếu là trên sông lớn, bổn tọa lại quen dùng một cây giáo dài.
Lý Thiết Đầu hiên ngang nói:
– Dài đến một trượng bảy tám.
– Nghe nói nó được gọi là Phi Long sáo, đúng không?
– Ngươi biết thì tốt.
Lý Thiết Đầu khoa trương:
– Một khi bổn tọa nổi nóng, đâm ra một giáo, xác chết sẽ xâu thành chuỗi, máu nhuộm đầy mặt sông.
– Ái chà!
Trầm Tiểu Điệp thất kinh:
– Thật là lợi hại!
– Ngươi sợ rồi sao?
– Đúng vậy.
Trầm Tiểu Điệp không biết là sợ thật hay là cố ý đùa cợt:
– Nghe được quả thật rất dọa người.
– Nghe được?
Lý Thiết Đầu ngẩn người một chút:
– Ý ngươi là…
– Máu nhuộm đầy mặt sông, xác chết xâu thành chuỗi, thật là đáng sợ biết bao!
Trầm Tiểu Điệp khẽ vuốt mớ tóc rối bời, ung dung nói:
– Những kẻ nhát gan nghe thấy là đã chết khiếp rồi.
– Còn ngươi thì sao?
– Cũng may!
Trầm Tiểu Điệp đáp:
– Lá gan của ta từ nhỏ đã lớn rồi.
– Giỏi lắm, nói nãy giờ hóa ra là con nhóc ngươi đang cười đùa bổn tọa!
Lý Thiết Đầu quát lớn một tiếng, đưa tay ra:
– Đưa đây!
– Đưa cái gì?
– Đừng giả vờ! Là một tấm địa đồ.
– Ồ? Chuyện này thật thú vị.
Trầm Tiểu Điệp cười nhạt:
– Thưởng Hoa Công Tử Lam Ngọc Phi dùng trăm phương ngàn kế để lấy được một tấm địa đồ, bây giờ ngươi cũng muốn lấy, rốt cuộc là địa đồ gì thế?
– Bổn tọa chưa từng thấy qua.
– Đáng tiếc là ta cũng chưa từng thấy qua.
– Nói láo! Tin tức của bổn tọa rất linh thông.
Lý Thiết Đầu trợn mắt quát lớn:
– Đã gặp bổn tọa, con nhóc ngươi đừng mơ có thể giở trò!
– Ngươi tin rằng địa đồ đó ở trên người ta sao?
– Bổn tọa nắm chắc mười phần.
– Nói như vậy là ngươi đã quyết định lấy nó rồi?
– Không sai.
– Có thể đợi thêm một ngày không?
– Đợi thêm một ngày? Vì sao?
– Dù sao ngươi cũng chưa từng thấy qua tấm địa đồ đó.
Trầm Tiểu Điệp chớp chớp mắt, cười nhạt nói:
– Ngày mai ta tìm vài tờ giấy, tiện tay vẽ vài bức bùa đào ma quỷ *…
* Thời xưa thường treo trên cửa chính hai tấm ván bằng gỗ đào, trên có vẽ hình hoặc viết tên của thần giữ cửa, dùng để tránh tà. Câu đối được dán phía trên.
– Câm mồm!
– Thế nào? Chẳng lẽ ngươi nhận ra được à?
– Tiểu nha đầu, đừng tưởng gạt được bổn tọa!
Lý Thiết Đầu trừng mắt quát:
– Tuy bổn tọa chưa từng thấy qua tấm địa đồ này, nhưng nghe nói nó là bút tích của Tứ Không tiên sinh năm xưa, đường nét rất đặc biệt, ngươi học được sao?
Tứ Không tiên sinh? Hóa ra tấm địa đồ này rất có lai lịch.
Liễu Nhị Ngốc vốn là một người không thích nhiều lời, nhất là những chuyện có liên quan đến Trầm Tiểu Điệp, hắn năm lần bảy lượt tự dặn mình hãy bớt xen vào.
Đương nhiên, hắn vẫn luôn cẩn thận lắng nghe.
Nghe được cái tên Tứ Không tiên sinh, hắn chợt ngẩn người.
Tứ Không Tiên Sinh vốn là một bậc kỳ nhân trong võ lâm, vừa hiệp nghĩa vừa nho nhã, vừa giống tiên vừa giống tục, nghe nói còn trải qua không ít chuyện phong lưu.
Hai chữ “Tứ Không” đương nhiên không phải tên thật của ông ta. Còn về phần ông ta là ai, trên giang hồ đồn đại đủ kiểu, có người nói ông ta là Liêu Đông Đại Hiệp Tư Mã Tảo, cũng có người nói ông ta là Vô Ảnh Kiếm Khách Liễu Thượng Phiêu năm đó cưỡi ngựa tung hoành Bạch sơn Hắc thủy (Trường Bạch sơn và Hắc Long giang, thuộc vùng đông bắc Trung Quốc).
Còn có người bảo ông là Triệu Tứ công tử.
Rất nhiều người đồng ý với giả thuyết sau cùng, thậm chí có người còn tin Triệu Tứ công tử tên thật là Triệu Tứ Không.
Nhưng không ai đưa ra được chứng cứ nào, bởi vì Triệu Tứ công tử như thần long thấy đầu không thấy đuôi. Thậm chí ngay cả những danh nhân cao tuổi của võ lâm còn sống đến bây giờ cũng chỉ nói được một chút về những kỳ tích của Triệu Tứ công tử năm xưa, và những khi uống rượu cao hứng bọn họ đều cảm thán không có duyên gặp mặt một lần.
Có điều đa số đều có thể cho biết năm xưa Triệu Tứ công tử có hai vị hồng phấn tri kỷ, đều là tuyệt thế giai nhân.
Hơn nữa còn là một đôi tỷ muội.
Loại chuyện thú vị ít người biết này đương nhiên ai cũng thích nghe, nhất là các nhân vật giang hồ càng bàn tán đến say sưa.
Còn Triệu Tứ công tử thì vẫn là một câu đố, không ai biết kết cuộc của ông thế nào.
Về phần vị Tứ Không tiên sinh này, sau khi Triệu Tứ Công Tử mai danh ẩn tích mới đột nhiên nổi lên trong giang hồ.
Thời gian trùng hợp như vậy, cho nên mới có người hoài nghi ông là Triệu Tứ công tử.
Không chỉ như vậy, Tứ Không tiên sinh cũng là một nhân vật hành tung bất định, phong cách hành sự cũng tương tự như Triệu Tứ công tử, trừ gian diệt ác hay hành thiện đều không cần ai biết.
Hơn nữa ông ta lại độc lai độc vãng, không quan hệ gì với các nhân vật võ lâm.
Khác biệt duy nhất là Tứ Không tiên sinh tuổi đã trung niên, đồng thời cũng hiển lộ tài văn chương, còn là một vị thi nhân.
Nhưng những vần thơ của ông ta không hề lưu truyền rộng rãi, chỉ có thể nhìn thấy trên núi hoang miếu cổ, sườn đồi vách đá, nét chữ cuồng thảo* như rồng bay phượng múa.
* Một kiểu chữ thảo, lối chữ từ trước đời nhà Hán, dùng để viết cho nhanh.
Càng sững sốt hơn là nó còn xuất hiện trên những bức tường trắng của chùa chiền, tuy chỉ là bút nho chấm mực. Về phần những câu thơ trên sườn đồi vách đá, lại là dùng ngón tay viết chữ, khắc sâu vào đá tới hơn một tấc.
Đó là Kim Cương chỉ hiếm thấy trong võ lâm.
Ý thơ mặc dù khó hiểu, nhưng câu từ đẹp đẽ, có đoạn hào hứng phấn khởi, có đoạn lại thê lương đau khổ động lòng người.
Hiển nhiên Tứ Không tiên sinh là một kẻ có vết thương lòng.
Còn về chuyện tấm địa đồ, gần đây mới có người biết, hơn nữa còn tin chắc đó là di bút của Tứ Không tiên sinh.
Vì sao Tứ Không tiên sinh lưu lại tấm địa đồ này? Trong địa đồ có những gì?
Theo suy nghĩ của những nhân vật giang hồ mẫn cảm, địa đồ chỉ nơi cất giấu không phải là châu báu tài vật thì cũng là kiếm phổ bí kíp.
Mà hai loại này, loại nào cũng đều làm lòng người rung động.
Người giang hồ đầu đao nhuốm máu, chuôi kiếm kinh hồn, đó là vì cái gì? Chính là võ công và tài phú, đương nhiên đó là những thứ nằm mơ cũng muốn.
Có võ công và tài phú, thanh danh cũng sẽ kéo đến.
Tấm địa đồ này đương nhiên đáng để truy tìm cướp đoạt, đáng để hao tổn tâm cơ, thậm chí đáng để liều mạng.
Vấn đề là trước tiên phải đánh giá thực lực của mình một chút, có dũng khí này hay không, có bao nhiêu phần nắm chắc lấy được tấm địa đồ này.
Chương trình ủng hộ thương hiệu Việt của Tàng Thư Viện: