[Dịch]Mười Dặm Hồng Trang - Sưu tầm - Chương 4: Cố nhân (2)
Nhà mẹ đẻ của Phó lão phu nhân là họ Hà, sau khi đi theo trượng phu từ nguyên quán Thiểm Tây đến kinh thành, bởi vì hai nơi cách xa nhau quá nên cũng chưa từng gặp lại người nhà. Trong ba huynh đệ trong nhà, chỉ có Tam cữu (1) là theo đường học vấn, nhỏ hơn Phó lão thái gia vài tuổi, nhưng cảnh ngộ lại khác biệt một trời một vực.
(1) Cữu: cậu
Phó lão thái gia có tài trị quốc, từng hai lần được tiến cử trước mặt hoàng thượng, từ một quan Thị giảng (2) cửu phẩm của viện hàn lâm, liền lên như diều gặp gió đến cuối cùng làm thầy giáo cho hoàng tử, hoàng đế.
(2) Quan Thị giảng là một chức quan dạy học trong viện hàn lâm.
Mà hôm nay Tam cữu đã hơn bốn mươi tuổi vẫn chỉ là một gã giáo dụ huyện học (3).
(3) Giáo dụ huyện học: Thầy giáo trường huyện.
Lần này làm phiền Phó lão thái gia vận dụng quan hệ xin được chức quan ghi chép còn khuyết trong Quốc tử giám. Tuy vẫn là chức quan cửu phẩm như cũ, nhưng từ vùng quê được điều nhiệm đến kinh thành có thể xem như là thăng chức. Huống chi với tuổi tác của Tam cữu, ít nhất phải phấn đấu mười mấy năm mới có cơ hội đội mũ ô sa to hơn.
Sau khi Phó lão phu nhân biết được tin này thì vui mừng đến mức liên tục mấy ngày cũng không ngủ được. Tống thị đã sớm sai người thu dọn một tiểu viện, chuẩn bị an trí cho người của Hà gia.
Trong kinh thành nhà cửa đắt đỏ, phủ đệ của Phó gia có bốn ngõ ra vào còn có vườn hoa bên ngoài, nếu không phải hoàng thượng ngự ban năm đó muốn mua sợ rằng rất khó. Nghĩ đến Hà gia cũng không phải nhà phú hộ, khẳng định là không thể nói mua nhà là mua ngay được, nhất định phải đắn đo lựa chọn một phen, vả lại cũng chẳng ở bao nhiêu ngày.
Hà gia là vào kinh làm quan, chắc chắn không thể ở nhà bà con lâu được. Nếu chỉ là ở tạm, đương nhiên Tống thị phải hào phóng chu đáo một chút để khiến mẹ chồng vui lòng, cũng để trượng phu biết mình hiền lành. Vì vậy không cần mẹ chồng căn dặn nhiều bà đã thu dọn tiểu viện vô cùng thỏa đáng.
Bên này Tống thị cho người tiễn người của Bảo Khánh Tường, bảo Giản ma ma bồng Sơ Doanh, lại gọi bà vú của Sơ Dung và Sơ Vân, kêu thêm Sơ Tuệ cùng nhau đi lên nhà trên.
Về phần hai vị di nương, họ không có tư cách gặp khách nhà bà con.
Phó lão phu nhân đã gần năm mươi tuổi gặp lại người nhà mẹ đẻ đương nhiên vô cùng vui mừng, đến lúc nhóm người Tống thị đến bà vẫn còn rất xúc động.
Tam cữu mẫu (4) Hà gia đã qua đời năm ngoái, bên cạnh Tam cữu chỉ có một nha đầu thông phòng (5), dưới gối không có con trai, hai đứa con gái đã gả một, con gái nhỏ Hà Cửu Nhi còn là khuê nữ.
(4) Cữu mẫu: Mợ
(5) Nha đầu thông phòng: nha hoàn phục vụ chuyện chăn gối.
“Đây là đại biểu tẩu (6) của con.” – Phó lão phu nhân chỉ Tống thị, cười nói với Hà Cửu Nhi bên cạnh – “Nghe nói nhà con sắp đến kinh thành liền thu dọn tiểu viện từ sớm.”
(6) Biểu tẩu: chị dâu họ bên ngoại.
Phó lão phu nhân lại nói: “Sau này ở gần nhau, con cũng tiện thường xuyên đến đây chơi, hằng ngày đến hầu chuyện với ta.”
“Đại biểu tẩu.” – Hà Cửu Nhi đứng lên tạ ơn, vẻ mặt có vài phần dè dặt nhút nhát.
Tống thị tươi cười, bảo người tặng quà gặp mặt đã chuẩn bị từ trước. Đương nhiên Hà Cửu Nhi phải tặng quà lại, ả là một cô nương chưa xuất giá, lại không có vật quý giá gì. Ả tặng cho Phó lão phu nhân một đôi giày, tặng cho Tống thị một hà bao. Tuy không đáng tiền nhưng quý là ở chỗ đích thân làm.
“Mẫu thân, con đã đến muộn.” – Ngoài cửa bước vào một thiếu phụ còn trẻ, khuôn mặt hơi vuông, ăn mặc cũng rất nhã nhặn, tôn lên dáng vóc gầy yếu, thật sự giống như cả người đều là xương.
Phó lão phu nhân giới thiệu với Hà Cửu Nhi: “Đây là nhị biểu tẩu của con.”
Hà Cửu Nhi đứng dậy gọi: “Chào nhị biểu tẩu.”
“Biểu muội không cần đa lễ.”
Mã thị cười cười, quà gặp mặt của Mã thị là một đôi khuyên tai vàng, mỏng hơn trâm cài mà Tống thị cho rất nhiều. Nhưng Mã thị không phải chủ mẫu đương gia, có cho ít cũng không có gì để nói.
Hà Cửu Nhi cảm ơn, tặng lại Mã thị một chiếc hà bao tự mình làm giống như đã tặng Tống thị.
Mã thị nhìn Phó lão phu nhân, nhân tiện giải thích: “Mới vừa rồi định ra cửa, lại trùng hợp Vinh ca nhi (7) nghịch ngợm bị đau chân, con phải đến xem sao trước, may là không có việc gì.”
(7) Ca nhi là cách gọi con trai trong nhà thời xưa.
Phó lão phu nhân nghe thấy không có việc gì chỉ tùy tiện hỏi thăm vài câu rồi thôi. Hiện tại tâm tư của bà đều đặt vào người nhà mẹ đẻ, lại bảo mấy cô cháu gái bước đến, giới thiệu với Hà Cửu Nhi từng người một.
Sơ Tuệ tự nhiên cúi chào: “Chào cửu di (8).”
(8) Di: dì.
Hà Cửu Di đứng thứ chín trong đám chị em họ bên nội, có lẽ là con gái không được coi trọng, ngay cả cái tên đàng hoàng cũng không có, bọn chị em gái đều lấy tên theo thứ tự.
Đã sớm biết Phó gia có thân phận cao quý, sợ lộ ra vẻ nghèo nàn, quê mùa, ả cố ý dùng tiền riêng mua vải may một bộ đồ mới. Trên là chiếc áo sam màu hồng cánh sen tay ngắn, bên trong là áo màu xanh lá mạ, bên dưới là chiếc váy thêu nhiều bươm bướm màu xanh nhạt, phối với nhau thật gọn gàng trang nhã.
Khuôn mặt trái xoan, lông mày lá liễu, khóe mắt hơi xếch vốn xinh xắn được trang phục tôn lên, hơn nữa dáng vóc mảnh mai yêu kiều rất có phong thái liễu yếu đào tơ.
Ả mỉm cười gật đầu với Sơ Tuệ, tặng cho nàng ta một chiếc khăn tay tự mình thêu.
Tống thị nhìn hoa thêu trên khăn tay rồi lại nhìn hà bao, cười khen ngợi: “Thật tươi sáng, A Tuệ của chúng ta cần phải học hỏi nhiều một chút.”
Tống thị quay đầu lại cười nói với mẹ chồng: “Cửu biểu muội là một người hiếm có, không hổ là nữ nhi Hà gia.”
Tất nhiên Phó lão phu nhân thích nghe lời như vậy, bà cười nói: “Xem con nói kìa, Cửu Nhi cũng phải thẹn thùng đấy.”
Sơ Dung và Sơ Vân lần lượt đi đến, cùng chào Cửu Nhi, cũng được tặng một chiếc khăn. Đến lượt Sơ Doanh, lúc này bởi vì nàng nhỏ tuổi nhất, còn được Giản ma ma bế trên tay. Sơ Doanh vô cùng miễn cưỡng, nhưng sức lực quá nhỏ bé không vùng vẫy được. Có điều tuy là người đã đi lên, nhưng chẳng hề chịu cất lời. Hóa ra trong kiếp trước, lúc này mình đã từng gặp Cửu Nhi.
“Tiểu thư, mau gọi đi.” – Giản ma ma trêu ghẹo.
Sơ Doanh quay đầu, vùi sâu vào cổ Giản ma ma, dù người bên cạnh có trêu nàng thế nào nàng cũng không chịu quay đầu lại gọi. May là nàng mới chỉ hơn hai tuổi, mọi người đều không chú ý lắm.
Giản ma ma sợ Tống thị trách mình dạy không tốt, bà cười giải thích: “Có lẽ tứ tiểu thư thẹn thùng.”
Hà Cửu Nhi vội nói: “Tiểu cô nương mà, nhát gan e sợ cũng phải thôi.”
Để tránh làm không khí lúng túng, ả còn lấy mình ra làm ví dụ: “Lúc nhỏ, ta còn xấu hổ hơn Doanh tỷ nhi nhiều.”
Mọi người cười cười nói nói, nhanh chóng thay đổi sự chú ý. Nhưng Sơ Doanh cảm thấy quanh mình an tĩnh lại, người khác nói gì nàng chẳng hề nghe thấy. Trong đáy lòng có một tiếng nói không ngừng lặp lại: Không thể, tuyệt đối không thể.
Hà Cửu Nhi tuyệt đối không thể trở thành mẹ kế của mình được.
***
Người Hà gia ở Phó phủ được an trí một tiểu viện ở góc đông bắc. Phó lão phu nhân thương cháu gái, nhớ đến ả còn là một cô nương chưa xuất giá, bên cạnh không có chị em và mẫu thân, vì vậy lên tiếng tương lai Hà tam cữu mua nhà chuyển đi, Hà Cửu Nhi vẫn phải ở lại. Dù sao người Phó gia không nhiều, tiểu viện góc đông bắc kia vẫn để trống, có thêm vài Hà Cửu Nhi nữa cũng ở được. Ngoài ra còn cho ả thêm hai nha đầu.
Lúc Hà Cửu Nhi còn ở quê, vì trong nhà không khá giả, nên bên cạnh ngoại trừ bà vú Hà ma ma ra bọn nha đầu sai bảo đều dùng chung với người trong nhà. Hôm nay được cho Phương Phỉ, Yên Hà, ngược lại càng giống tiểu thư hơn trước kia.
Phó lão phu nhân đối với ả rất tốt, chính ả cũng biết chuyện tình người nóng lạnh. Hai cô cháu càng ở càng thân, càng nói càng hợp ý. Cháu gái Phó lão phu nhân đều còn nhỏ tuổi, lớn nhất là Sơ Tuệ cũng chỉ mới mười tuổi thôi. Đang lo không có ai vừa ý để trò chuyện thì đúng lúc Cửu Nhi đến. Điều này giống như nắng hạn gặp mưa rào, buồn ngủ gặp chiếu manh.
Chung sống một khoảng thời gian, Phó lão phu nhân đối với Cửu Nhi còn thân hơn cả cháu gái ruột của mình. Ngay cả đám người Sơ Tuệ đều xếp sau, phàm là ăn mặc gì đều nhất định nghĩ đến cô cháu gái này đầu tiên.
Có lần lén tán gẫu, Mã thị cười nói: “Vị Cửu biểu muội này của chúng ta thật đúng là có duyên với lão phu nhân.”
Tống thị nghe thấy chỉ cười một tiếng mà không nhiều lời. Đâu phải xưa nay bà không hiểu tính tình của mẹ chồng mình, làm thế nào cũng không lấy lòng được, vô cùng thiên vị nhà mẹ đẻ. Ban đầu khi chưa lên kinh, phàm là Phó gia có được vải vóc gì đẹp, ăn hoa quả gì mới, mẹ chồng đều hận không thể chia cho nhà mẹ đẻ một phần.
Khi Mã thị được gả vào, nhà Phó gia đã trú lại kinh thành nên không biết được chuyện trước đây của mẹ chồng, đây là lần đầu tiên thấy mẹ chồng thiên vị cháu gái nhà mẹ đẻ. Đám con dâu luôn phải tỏ vẻ thân thiết, hết lòng hầu hạ hiện tại ngược lại không bằng một người ngoài. Nghĩ đến trong lòng khó tránh khỏi có chút bất bình.
Có điều bản thân làm dâu trưởng, tuyệt đối không thể hùa theo chị em dâu nói mẹ chồng không phải. Trong mắt Tống thị, tuy mẹ chồng có chút tư lợi, lại ngốc nghếch nhưng chưa từng có ý làm khó con dâu. So sánh với mấy bà mẹ chồng làm thế nào cũng nhìn con dâu không vừa mắt, hở ra là bắt chẹt chèn ép thì Phó lão phu nhân tốt hơn nhiều. Con gái của mình đương nhiên có mình và trượng phu yêu thương là đủ rồi.
Thường ngày dựa theo tiêu chuẩn của con gái Phó gia, phát tiền tháng, may y phục, mua trang sức cho Hà Cửu Nhi vân vân… Tống thị đều cho ả giống hệt như vậy. Bởi vì tài thêu thùa của Hà Cửu Nhi không tệ, Tống thị còn bảo Sơ Tuệ học hỏi ả thêm. Thật ra là bà muốn cho con gái có bạn chơi. Cả ngày đối mặt với một đám em gái còn nhỏ thật sự là hơi buồn tẻ.
Hà Cửu Nhi ở tạm Phó gia, cho dù có cô ruột chăm sóc cũng không tránh khỏi phải dè dặt. Đương nhiên đối với Sơ Tuệ đều hết lòng, có vẻ vô cùng ngoan hiền dịu dàng.
Đột nhiên Sơ Tuệ có thêm người để trò chuyện, trong lòng tất nhiên vui mừng. Tuy nói thân phận bề ngoài là cô cháu nhưng tuổi tác không xê xích nhiều, nàng ta thầm xem Cửu Nhi như chị gái. Mỗi ngày sau hai buổi sáng chiều đến vấn an tổ mẫu (9) theo quy định thì đều trò chuyện với Hà Cửu Nhi, hoặc là cùng nhau đi dạo vườn hoa.
(9) Tổ mẫu: bà nội.
Thấy thái độ của mẫu thân và chị gái đối với Cửu Nhi, Sơ Doanh chỉ cảm thấy trong lòng bức bối vô cùng. Nhưng bản thân lại không thể nói ra được, dù có nói cũng không ai tin, đang yên đang lành càng không có cách đuổi Hà Cửu Nhi đi. Trăn trở suy nghĩ hồi lâu cũng không thể nghĩ ra cách giải quyết
Có điều nàng bất chợt hiểu ra vì sao kiếp trước chị gái lại đối chọi gay gắt với Hà Cửu Nhi như vậy. Thử nghĩ xem một người được mình tín nhiệm giống như chị em, chỉ chớp mắt trở thành mẹ kế của mình. Dù là ai cũng khó chấp nhận được chuyện này. Bất luận là tình cảm hay tuổi tác, Cửu Nhi chỉ lớn hơn đại tỷ có bốn tuổi thôi. Hai chữ “mẫu thân” dù thế nào cũng không kêu được. Thế nhưng trong mắt tổ mẫu chính là đại tỷ không phải, không biết lễ nghĩa, không tôn trọng mẹ kế, lại càng khinh người Hà gia. Đến lúc đại tỷ đính hôn với người ngoài tỉnh, tổ mẫu chẳng hỏi lấy một câu.
Chuyện cũ trước kia tuy đã là quá khứ nhưng nhớ lại trong lòng vẫn thấy bất bình.
“A Doanh?” – Sơ Tuệ thấy em gái đang ngẩn người, mỉm cười vuốt đầu nàng – “Gần đây sao vậy? Cũng không chịu đi chơi, cả ngày ở trong phòng làm gì?”
Sơ Doanh lắc đầu: “Không muốn đi chơi.”
“Em đợi chút.” – Sơ Tuệ cầm chiếc váy nhỏ ướm thử lên người nàng, cười nói – “Sắp may xong rồi, chút nữa cho A Doanh mặc váy mới.”
May y phục quá phức tạp, Tống thị để con gái học từ dễ đến khó. Trước tiên may cho A Doanh một bộ váy, đã dạy nàng ta cắt vải, chỉ cần may xong là gần như đã hoàn thành.
“Đại tỷ.” – Sơ Doanh đưa tay ôm lấy chị, nhẹ nhàng cọ cọ.
“Doanh tỷ nhi lại làm nũng à?” – Hà Cửu Nhi đứng ngoài cửa sổ. Ở Phó gia hơn một tháng, ả đã quen thuộc hơn ban đầu rất nhiều. Bởi vì ả đã lên tiếng, bọn nha đầu cũng không đến thông báo nữa. Hành động giống như là liễu yếu đào tơ, vừa vào cửa đã nói – “Lúc nhỏ ta cũng như vậy, thường đi theo phía sau tỷ tỷ giống như cái đuôi nhỏ.”
Sơ Tuệ bỏ kim chỉ sang một bên, cười mời ngồi: “Ta thấy Cửu di là một người chững chạc, lẽ nào khi còn bé cũng tinh nghịch như vậy? Trước đây A Doanh không như vậy, gần đây mới đeo sát bên người hơn giống như là viên nếp vậy, khiến người ta không thể vứt khỏi tay được.”
Sơ Doanh vô cùng ghét Cửu Nhi, nếu không phải sợ người trong nhà nghi ngờ, ngay cả chào hỏi nàng cũng không muốn, chỉ kêu một tiếng “Cửu di” liền ồn ào đòi đi ra ngoài chơi.
Tuy Hà Cửu Nhi thấy nàng khó gần nhưng cũng không truy cứu. Dù sao tuổi nhỏ sợ người ngoài cũng chẳng có gì lạ, huống chi ả đến tìm Sơ Tuệ trò chuyện, không có hứng thú với trẻ con.